Trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu và giảng dạy kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu chú ý tới các tài liệu và nội dung của môn học Phương pháp Nghiên cứu. Nhiều ấn phẩm về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và khoa học kinh tế - quản lý nói riêng đã được các tác giả Việt Nam biên dịch hoặc tự biên soạn. Những ấn phẩm này, về cơ bản, đều trình bày cho các độc giả Việt Nam những chuẩn mực quốc tế chung trong thực hành nghiên cứu. Tuy nhiên, những thiếu hụt trong kiến thức nền móng về nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam ít được cân nhắc tới. Sách dịch hoàn toàn được viết trong điều kiện các nước phát triển, nơi người đọc đã có kiến thức cơ bản về thế nào là nghiên cứu từ các bậc học phổ thông và đại học. Sách biên soạn và viết cũng thiên về giới thiệu chuẩn mực quốc tế là chính. Nói chung, các tác giả ít chú ý tới việc giúp nhà nghiên cứu Việt Nam vượt qua hạn chế của mình để có thể tiếp cận với chuẩn mực đó. Vì vậy, hầu hết các tài liệu viết về phương pháp nghiên cứu đều khó đọc và khó áp dụng đối với phần đông các nhà nghiên cứu trẻ, các nghiên cứu sinh và học viên cao học Việt Nam.

“Giáo trình: Thực hành nghiên cứu trong kinh tế và quản trị kinh doanh” này được biên soạn dựa cơ bản trên nội dung cuốn sách “Thực hành nghiên cứu trong kinh tế và quản trị kinh doanh” do chính tác giả biên soạn năm 2013. Giáo trình này được dùng cho chương trình Tiền Tiến sĩ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam. Cuốn sách này khác với các cuốn sách đã viết về phương pháp nghiên cứu đang lưu hành ở hai điểm cơ bản. Thứ nhất, các nội dung đều cố gắng gắn kết giữa việc chỉ rõ chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học với việc giúp bạn đọc xác định và vượt qua hạn chế của mình nhằm hướng tới chuẩn mực đó. Trước khi hiểu đúng và áp dụng được các chuẩn mực trong phương pháp nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cần biết mình đang hiểu sai những gì về “nghiên cứu”. Các chương trong cuốn sách đều trình bày các quan niệm sai lầm thường gặp về nghiên cứu, từ đó giúp bạn đọc liên hệ và sửa chữa sai lầm tương tự của chính mình. Thứ hai, cuốn sách cố gắng gắn kết giữa nguyên lý, chuẩn mực nghiên cứu quốc tế với thực tiễn nghiên cứu ở Việt Nam. Ở các chương, song song với các chuẩn mực chung đều trình bày các ví dụ, quy trình, hay kỹ năng cụ thể để người đọc dễ liên hệ với các nghiên cứu của mình.
Cuốn sách gồm 12 chương. Chương 1 trình bày những khái niệm chung về nghiên cứu khoa học. Chương 2, 3, 4 trình bày các công đoạn phát triển ý tưởng nghiên cứu, bao gồm Tổng quan tình hình nghiên cứu, Phát triển câu hỏi nghiên cứu và Xây dựng khung lý thuyết. Chương 5 trình bày những vấn đề cơ bản về Nghiên cứu định tính. Chương 6, 7, 8 trình bày chuẩn mực, quy trình của nghiên cứu định lượng, cụ thể là Giới thiệu chung về Nghiên cứu Định lượng (Chương 6), Phương pháp Khảo sát (Chương 7) và Phương pháp Nghiên cứu Thử nghiệm (Chương 8). Sau khi đã nắm rõ các phương pháp nghiên cứu thông dụng, Chương 9 giúp bạn đọc hình dung những vấn đề cơ bản trong Thiết kế Tổng thể Nghiên cứu. Chương 10 trình bày nội dung và yêu cầu của một Báo cáo Nghiên cứu. Chương 11 mô tả những dạng điểm mới và đóng góp của một nghiên cứu. Chương 12 chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế có phản biện.
Cuốn sách có sử dụng một số ví dụ minh họa từ công trình của các nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam. Cuốn sách cũng trình bày những sai lầm thường gặp khi tiến hành nghiên cứu. Những sai lầm này được tổng kết từ thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy về phương pháp nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh của tác giả và đồng nghiệp. Mặc dù đối tượng chính của cuốn sách là các nhà nghiên cứu và học viên ngành kinh tế - quản trị kinh doanh, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực xã hội khác đều có thể tham khảo.
Tác giả xin trân trọng cảm ơn Hội đồng thẩm định giáo trình của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Giáo trình. Tác giả cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp và các nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia
Hà Nội. Đặc biệt xin cảm ơn GS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, PGS. TS. Nguyễn Thị Minh, PGS. TS. Nguyễn Quang Hồng, PGS.TS. Từ Thúy Anh, PGS.TS. Phan Thị Thục Anh, PGS.TS. Phạm Thế Anh, PGS.TS. Nguyễn Vũ Hùng, PGS.TS. Lê Quang Cảnh, PGS. TS. Lê Thị Bích Ngọc, TS. Doãn Hoàng Minh, TS. Đồng Xuân Đảm, TS. Đỗ Tuyết Nhung, ThS. Nguyễn Phương Anh đã trực tiếp góp ý vào các chương của cuốn sách và chia sẻ các ví dụ nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu là lĩnh vực khó và đa dạng. Cuốn sách chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Tác giả rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, học viên và bạn đọc.
GS.TS Nguyễn Văn Thắng
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Sách đã xuất bản và phát hành trên các kênh ebook: drm.neu.edu.vn; enxb.neu.edu.vn. Mời độc giả đón đọc..