MỞ ĐẦU
Hoạt động kinh doanh ngoại thương ngày càng phát triển đòi hỏi các công ty của bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào cũng đều có quyền tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Những nghiệp vụ giao dịch mua bán diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng và khu vực địa lý khác nhau lại cần tuân thủ những giá trị chung về hợp đồng, thanh toán và giao nhận vận tải hàng hóa quốc tế. Điều đó đòi hỏi các công ty cơ bản phải hiểu biết không chỉ thông lệ quốc tế mà còn thông thạo về các nghiệp vụ giao dịch mua bán, giao nhận vận tải, bảo hiểm và thanh toán quốc tế để hạn chế tối đa các rủi ro trong kinh doanh ngoại thương. Nhiều trường hợp có những định hướng đúng nhưng vẫn có thể gặp rủi ro vì các nghiệp vụ được thực hiện quá yếu kém. Rất nhiều công ty đã gặp phải những rủi ro mất tiền hay hàng hóa do những hạn chế về nghiệp vụ thanh toán quốc tế hay giao nhận, vận tải hàng hóa quốc tế. Khi kinh doanh trên phạm vi quốc tế có rất nhiều khác biệt từ văn hóa, luật pháp đến thông lệ và tập quán kinh doanh quốc tế mà các doanh nghiệp cần tìm hiểu nhằm nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp với môi trường quốc tế. Do đó, việc nghiên cứu và hoàn thiện các nghiệp vụ ngoại thương là vô cùng cần thiết và ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Mặt khác, các nghiệp vụ ngoại thương cũng phát triển không ngừng nên các doanh nghiệp cần phải cập nhật liên tục. Thực tiễn kinh doanh cho thấy các phương thức giao dịch kinh doanh ngày càng đa dạng và phong phú như nhượng quyền quốc tế, thương mại điện tử… đòi hỏi các công ty cần trau dồi thêm các nghiệp vụ kinh doanh mới không chỉ ở khía cạnh lý thuyết mà còn cả những kỹ năng thực hành.

Để đáp ứng nhu cầu đó, Giáo trình Nghiệp vụ ngoại thương giới thiệu khá cụ thể các nghiệp vụ kinh doanh ngoại thương từ khâu tìm kiếm khách hàng quốc tế, giao dịch và đàm phán quốc tế đến các môi trường kinh doanh quốc tế về bảo hiểm, vận tải, giao nhận và thanh toán quốc tế, đồng thời trang bị những kỹ năng thực hành khi lập phương án kinh doanh, soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng ngoại thương. Các chương của giáo trình được trình bày từ những môi trường bên ngoài đến các nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp. Giáo trình được biên soạn trên cơ sở cách tiếp cận tư duy kinh doanh để luận giải các nghiệp vụ tương tác kèm theo tạo thành logic biện chứng tổng thể thay vì diễn giải các nghiệp vụ một cách rời rạc. Do đó, giáo trình này được thiết kế 10 chương với 3 phần chính được các tác giả biên soạn như sau:
Phần 1: Tổng quan về ngoại thương trên thế giới
Chương 1: Tổng quan về ngoại thương trên thế giới - PGS.TS. Tạ Văn Lợi
Phần 2: Môi trường kinh doanh ngoại thương
Chương 2: Những phương thức giao dịch kinh doanh ngoại thương trên thế giới - PGS.TS. Tạ Văn Lợi
Chương 3: Vận tải và giao nhận hàng hóa trong kinh doanh ngoại thương PGS.TS. Tạ Văn Lợi 60%, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà 25% và ThS. Trần Thị Thu Trang 15%
Chương 4: Bảo hiểm hàng hóa trong ngoại thương - PGS.TS. Tạ Văn Lợi 80% và ThS. Trần Thị Thu Trang 20%
Chương 5: Thanh toán quốc tế trong ngoại thương - PGS.TS. Tạ Văn Lợi 70% và PGS.TS. Bùi Huy Nhượng 30%
Phần 3: Các nghiệp vụ ngoại thương
Chương 6: Thiết kế nhãn hiệu, quảng cáo và xúc tiến xuất nhập khẩu - PGS.TS. Tạ Văn Lợi 60% và TS. Nguyễn Anh Minh 40%
Chương 7: Lập và xét duyệt phương án kinh doanh trong ngoại thương - PGS.TS. Tạ Văn Lợi
Chương 8: Giao dịch, đàm phán và ký kết hợp đồng ngoại thương - PGS.TS. Tạ Văn Lợi
Chương 9: Các loại hợp đồng ngoại thương - PGS.TS. Tạ Văn Lợi 95% và ThS. Nguyễn Bích Ngọc 5%
Chương 10: Tổ chức thực hiện hợp đồng ngoại thương - PGS.TS Tạ Văn Lợi
Nét đặc trưng truyền thống của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn được kế thừa và nhấn mạnh về quản trị kinh doanh hơn là các nghiệp vụ đơn lẻ. Các nghiệp vụ ngoại thương được sắp xếp theo các trình tự công việc và cách tiếp cận tổng thể từ môi trường kinh doanh đến các kỹ năng cụ thể. Người học rất dễ tiếp cận khi nghiên cứu và liên kết với kiến thức của các môn học chuyên ngành như Kinh doanh quốc tế, Marketing quốc tế, Quản trị chuỗi cung ứng quốc tế…
Tập thể tác giả xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Hội đồng Khoa học Viện, Nhà trường, Phòng Quản lý Đào tạo, Phòng Khoa học và các đơn vị liên quan đã quan tâm sát sao và tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi hoàn thành giáo trình này.
Bộ môn Kinh doanh Quốc tế cũng xin chân thành cảm ơn các đồng nghiệp, các giảng viên và tập thể tác giả tham gia tích cực trong quá trình làm việc, đóng góp cho giáo trình Nghiệp vụ ngoại thương được hoàn thành đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và bạn đọc.
Việc hoàn thành được giáo trình này cũng có sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… Và đặc biệt gửi lời cảm ơn tới PGS.TS. Nguyễn Thị Hường, TS. Nguyễn Anh Minh, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà, ThS. Nguyễn Bích Ngọc, ThS. Trần Thị Thu Trang đã tham gia dịch các tư liệu liên quan, GS. Hamdi Bilici, Nguyên Trưởng khoa Tài chính, trường Đại học California State University, Long beach (Hoa Kỳ), TS. Holger, giảng viên môn Kinh doanh quốc tế tại University of Northampton (Anh)… đã góp ý về một số nội dung và kinh nghiệm ngoại thương ở một số nước.
Mặc dù có nhiều cố gắng của tập thể tác giả và Bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp và hạn chế về tư liệu cũng như trình độ nên không tránh khỏi các thiếu sót. Tập thể tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và nhận xét của bạn đọc nhằm hoàn thiện hơn giáo trình này.
CÁC TÁC GIẢ