Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Để có những thế hệ nhân lực đáp ứng tốt nhất yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng, chất lượng đào tạo luôn là yếu tố quan trọng của giáo dục và đào tạo. Vì vậy, trong mọi thời đại, chất lượng đào tạo luôn nhận được sự quan tâm của tất cả các bên liên quan và toàn xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng đào tạo của các bên liên quan là khác nhau, đặc biệt, tùy từng thời kỳ khác nhau, vai trò của các yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo đại học nói riêng cũng được nhìn nhận và đánh giá rất khác nhau.

Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu cùng với sự gián đoạn học tập do đại dịch COVID-19, chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của người học, giúp họ trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho một thế giới việc làm nhiều biến động. Chính vì vậy, chuyển đổi số đã và đang được nhìn nhận như một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học Việt Nam và trên thế giới. Chỉ cần nhập cụm từ “Chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo” vào thanh công cụ tìm kiếm của Google, sau 0,61 giây, chúng ta có thể nhận được 195 triệu kết quả. Trong hơn một năm qua, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo đã được tổ chức ở trong và ngoài nước, dù có rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đã, đang được làm rõ. Các bên liên quan đều khẳng định chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân hay một trường học mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Do đó, giáo dục và đào tạo không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định tính cấp thiết, thời sự của chuyển đổi số trong giáo dục và phát triển nhân lực trong Hội nghị thảo luận góp ý Dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025” ngày 23/11/2021 vừa qua. Bộ trưởng khẳng định: “Ngành Giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục. Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành Giáo dục”. Trong thời gian vừa qua,chuyển đổi số đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học và các cơ sở giáo dục và đào tạo quan tâm thực hiện, đặc biệt là dưới tác động của dịch COVID-19, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã có những chuyển biến to lớn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều văn bản, hướng dẫn để áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ trong dạy và học. Các trường đại học và các cơ sở giáo dục và đào tạo đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý quá trình đào tạo. Nhiều trường đại học không chỉ giảng dạy trực tuyến mà còn tuyển sinh và nhập học trực tuyến; thi học kỳ, thi tuyển sinh trực tuyến; bảo vệ chuyên đề thực tập, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trực tuyến; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trực tuyến.
Bên cạnh các cơ hội đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý đào tạo, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo nói chung và trong các trường đại học nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tư duy quản lý, phương pháp giảng dạy, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, hệ thống học liệu và môi trường học tập số, kỹ năng học tập của sinh viên, năng lực giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giảng viên, vấn đề bảo mật dữ liệu và đặc biệt là vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đối số trong giáo dục và đào tạo cần phải đẩy nhanh hơn vì nó tác động mạnh mẽ đến chất lượng đầu ra của giáo dục và đào tạo. Đầu ra đó chính là nguồn lực cho doanh nghiệp cũng như nguồn lực chính để chuyển đổi số quốc gia.
Để làm rõ hơn vai trò của chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Chất lượng đào tạo đại học chính quy trong bối cảnh chuyển đổi số”. Đây là diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm quản lý giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục giữa các trường đại học về các vấn đề chuyển đổi số và chất lượng đào tạo. Chỉ sau hai tháng chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được rất nhiều bài viết gửi về và chọn lọc được 60 bài viết của các tác giả đến từ hơn 25 trường đại học, cao đẳng và các cơ quan, đơn vị khác trong cả nước để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo. Nội dung của các bài viết tập trung thảo luận và phân tích năm vấn đề chính như sau:
Một là, những vấn đề đặt ra đối với chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số tại các trường đại học Việt Nam.
Hai là, thực trạng chuyển đổi số trong các trường đại học Việt Nam.
Ba là, kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số của một số trường đại học trong nước và quốc tế.
Bốn là, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong quá trình chuyển đổi số.
Năm là, những vấn đề khác liên quan đến chuyển đổi số và chất lượng đào tạo trong các trường đại học Việt Nam như: sự hài lòng của người học, sự hài lòng của giảng viên và sự thay đổi văn hóa trong quá trình chuyển đổi số.
Trong phạm vi của Hội thảo, sau khi nghe các bài trình bày chính, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để làm rõ ba vấn đề sau đây:
Một là, làm rõ các yêu cầu về đảm bảo chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số ở các trường đại học.
Hai là, chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế đối với việc đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số.
Ba là, các giải pháp quan trọng mà các trường đại học Việt Nam cần thực hiện để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số.
Những ý kiến phát biểu trong Hội thảo cũng như các ý kiến trao đổi trong Kỷ yếu Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức chắt lọc thành Báo cáo kiến nghị về các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và các bên liên quan để cùng chung tay thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn tới.